the notorious
snacky

<- Quay về trang chủ

Chuyện nói tiếng Anh

Hôm nay blog của anh Cẩm có đăng một bài Chuyện phát âm nói về những vấn đề trong việc học tiếng Anh của người Việt Nam. Mình cũng muốn viết thêm mấy dòng.

Người Nhật và tiếng Anh

Trong bài trên có một đoạn:

Nếu bạn thắc mắc về việc dân Nhật cũng dở tiếng Anh mà khoa học kĩ thuật của họ vẫn đứng đầu thế giới, thì tui từng nghe một người bạn làm việc ở Nhật nói là rất nhiều sách báo khoa học kĩ thuật được dịch tuốt sang tiếng Nhật. Thật đáng tiếc là cha ông người Việt không để lại cho chúng ta những di sản đó.

Vấn đề này đúng, nếu các bạn tìm hiểu về nước Nhật bắt đầu từ những năm 1853, khi người phương Tây xuất hiện và gây sức ép buộc chính quyền Mạc phủ mở cưa thông thương, giới trí thức Nhật thời kì đó xuất hiện một vài cá nhân tỏ ra khá là quan tâm tới trình độ khoa học kĩ thuật, súng ống, vũ khí của người phương Tây nên đã tìm cách học tiếng Hà Lan, sau này có cả tiếng Anh để dịch lại sách vở của người Tây thời kì đó, truyền bá trong nước. Có lẽ nhờ vậy mà kho tàng kiến thức Tây học tràn ngập ở Nhật như bài viết trên đề cập.

Một trong số đó là Fukuzawa Yukichi, nổi tiếng với tư tưởng "thoát Á", mà về sau này trong cuộc cải cách Duy Tân thì những tư tưởng của ông đã giúp cho nước Nhật "tách khỏi hàng ngũ các nước Châu Á, đuổi kịp nền văn minh phương Tây". Đây cũng là nguồn cảm hứng cho các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh khi thành lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, hiện nay ông được biết đến qua 2 tác phẩm Khuyến học và Phúc ông tự truyện, đây là 2 quyển sách rất hay, nhất là quyển tự truyện, các bạn nên tìm đọc để hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp cũng như tư tưởng của ổng.

Tiếng Anh của người Việt

Vấn đề muôn thuở, đa số chúng ta sinh ra ở Việt Nam và học tiếng Anh từ cấp 1 (lớp 3), có bạn học sớm hơn tí, vào lớp mẫu giáo. Nhưng hiếm có bạn nào phát âm chính xác hoàn toàn khi còn đang học phổ thông, trừ mấy bạn học chuyên anh (không sure luôn), lý do rất đơn giản, dù bạn đi học thêm ngoài trung tâm bản ngữ, có người nước ngoài dạy phát âm đúng, thì lên trường phát âm đúng vẫn bị thầy cô cho là sai và dạy lại cách phát âm sai (lol).

Lớn lên một tí chúng ta bỏ tiền ra theo học các khóa luyện nói tiếng Anh giọng Mỹ của các trung tâm. Bản thân mình cũng từng tham gia rất nhiều lớp luyện tiếng Anh giọng Mỹ kiểu này.

Nhưng có một thực tế là những người Việt Nam thành đạt ở Mỹ mà mình từng tiếp xúc hoặc từng được nghe diễn thuyết, không có ai nói tiếng Anh giọng Mỹ cả. Người ta vẫn nói bằng cái giọng tiếng Anh mà mình vẫn cho là dở hồi còn ở nhà.

Ngay cả mình, mỗi khi về VN cũng chẳng dám bắn 1 câu tiếng Anh nào trước mặt bạn bè, đơn giản vì cái giọng của mình nó cũng dở y chang vậy, nói ra sợ bị cười =)))

Hồi mới qua thì việc bước vô Starbucks để order cà phê đối với mình là 1 cực hình, vì lúc nào gọi món này người ta cũng đưa ra món kia, hoặc là bị hỏi đi hỏi lại mấy lần, rồi mỗi 1 câu đơn giản của bạn nhân viên là: "Would you like cream on top?", "Do you want to have a receipt?", "Is there anything else for today?", nhưng mình chả bao giờ nghe được, nhục ghê luôn.

Thứ hai là các câu chào hỏi, hầu như mỗi buổi sáng mình phải nhẩm đi nhẩm lại câu trả lời cho việc chào hỏi vào buổi sáng của mấy anh bạn đồng nghiệp, nào là: "Hey, how are you today?", "How was your weekend?".

Nhưng mà nhìn lại thì mấy bạn Ấn Độ bên này nói còn dở hơn mấy giáo viên dạy tiếng Anh ở Việt Nam nữa, thế mà khả năng giao tiếp của họ thì khỏi phải nói luôn.

Tiếng Anh của người Ấn

Ấn Độ là một quốc gia khá đặc biệt, trong mắt người Việt thì dân Ấn Độ khá là bẩn, hôi mùi cà ri và nói tiếng Anh cực dở. Nhưng trong xã hội Mỹ, người Ấn Độ là một cộng đồng có thể nói là thành công nhất trong cộng đồng những người nhập cư.

Không phải ngẫu nhiên mà đa số các vị trí từ CEO cho tới VP of Engineering, rồi các bác sĩ trong các bệnh viện, chỉ tính riêng ở Silicon Valley này thì đa phần là người Ấn.

Một trong số rất nhiều lý do khiến người Ấn thành công trên đất Mỹ là nhờ khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh tốt hơn những dân tộc khác.

Mình từng hỏi một người bạn, anh này nói ở Ấn Độ có trên 600 loại ngôn ngữ khác nhau (số liệu chính thức của Wiki là 122 ngôn ngữ có trên 10,000 người sử dụng và 1599 loại ngôn ngữ khác được sử dụng trong các phạm vi nhỏ hơn), lý do thì là vì ở Ấn Độ đa dạng về các cộng đồng dân cư.

Chính vì sự đa dạng về mặt ngôn ngữ đó, nên ở Ấn Độ có 2 thứ tiếng được chọn làm ngôn ngữ chung cho toàn quốc, đó là tiếng Hindi và tiếng Anh. Riêng tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ chính trong các trường đại học và trong các cơ quan nhà nước.

Mặc dù cách phát âm tiếng Anh của người Ấn không được tốt cho lắm, nghe rất đặc thù, nhưng chữ nào ra chữ nấy, và nhìn chung khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh có thể coi như là gần với người bản xứ, nên hầu như rào cản về mặt ngôn ngữ khi làm việc với phương Tây gần như không có.

Tóm lại

Nếu bạn đang cố gắng theo đuổi cái gọi là "phát âm giọng Mỹ", các bạn nên dừng lại từ bây giờ. Việc bạn vào quán rượu và nói "Qua tờ" hay "Qua đờ" (water) không quan trọng đối với người nghe, khi mà bạn chưa đủ khả năng để nghe được người ta hỏi "Can I see your ID please?".

Nếu bạn đang đặt câu hỏi: Làm sao để luyện được khả năng tiếng Anh đủ để giao tiếp với người nước ngoài, câu trả lời cho bạn là:

Và một điều cuối cùng, bạn không cần thiết phải nói giọng chuẩn tiếng Anh, chỉ cần phát âm tròn câu và tròn ý đủ để giao tiếp. Thay vì dành thời gian cho những thứ mà người ta sẽ không mấy quan tâm như giọng Anh hay giọng Mỹ, thì dùng thời gian đó nghiên cứu, phát triển thêm những mặt khác của bản thân thì sẽ có ích hơn rất nhiều. Life is short, use your time wisely.