the notorious
snacky

<- Quay về trang chủ

Chuyện răng ri mô rứa :))

Lần này là kể chuyện ngày xưa.

Mùa hè năm 2008, khi đang đi học quân sự thì mình được gọi về trường để chuẩn bị đi nhận học bổng ở trên Sở giáo dục thành phố.

Oai ghê luôn, vì suốt thời đi học phổ thông chỉ nhận được đúng 2 cái học bổng, 1 trong số đó mình... bán lại cho một thằng trong lớp vì đó là cái coupon đi học lớp An ninh mạng, mình không quan tâm lắm.

Khi lên đến trên Sở thì đã có đầy đủ gương mặt của mấy thằng mình ghét nhất ở mấy trường cấp 3 trong thành phố. Học bổng này là của Intel trao cho những đứa có thành tích trong các cuộc thi tin học trong thành phố.

Thực ra thì những năm đó chỉ có tầm 20 đứa đến từ 4, 5 trường gì đó quanh thành phố là chuyên đi thi các giải từ HSG đến Tin không chuyên, chia đều nhau các giải từ nhất, nhì, ba, cho đến khuyến khích. Chính vì vậy mà lần này hình như có mặt đông đủ cả. Và hầu như trường nào cũng đều có thành tích cao hơn trường mình rất nhiều nên đứa nào mình cũng ghét hết.

Đại diện phía Intel đến trao giải lại chính là bác Thân Trọng Phúc, tổng giám đốc Intel Việt Nam vào lúc đó.

Điều làm mình ấn tượng nhất đó chính là phong thái của bác ấy, là tổng giám đốc nhưng cách nói chuyện rất mộc mạc, giản dị, nói không giấy tờ, mắt hướng thẳng vào mấy thằng trẩu tre chưa học hết cấp 3 chỉ chằm hăm chờ đến giờ trao giải.

Biết đến tên tuổi bác Phúc đã lâu qua chuyên mục hỏi đáp cùng Intel trên báo eChip hay PCWORLD gì đó, nhưng hôm đó mình khá bất ngờ khi biết bác Phúc cũng xuất thân từ miền Trung, và sau mấy chục năm bôn ba ở xứ người, bác ấy vẫn giữ được cái chất giọng đặc sệt miền trung mà nghe qua ko lẫn vào đâu được, vẫn dùng những từ "răng", "ri", "mô", "rứa" khi nói chuyện với đám nhỏ bên dưới.

Giải thích cho việc này, bác ấy nói rằng: Giữ được chất giọng miền Trung này là một niềm tự hào, giống như một cách để một người xa xứ luôn hướng về quê hương.

Đi ra bên ngoài, dù là vào Nam, ra Bắc hay đi Đông đi Tây, những vùng miền khác nhau thì luôn có những chất giọng và cách nói chuyện khác nhau, cho nên việc phải thay đổi chất "giọng mẹ đẻ" của mình để hòa nhập với môi trường xung quanh là điều không thể tránh khỏi. Nhưng về đến quê nhà rồi vẫn nói giọng vùng miền khác là cớ làm sao?

Cũng gần 10 năm kể từ ngày hôm đó rồi, trong cái đám học trò hồi đó, thì cũng đã có đứa phiêu lưu chán chê và đang chuẩn bị khăn gói quay trở lại Đà Nẵng, cũng có đứa giờ mới bắt đầu chuẩn bị ra đi, không biết bọn nó cảm thấy thế nào, nhưng đối với mình thì đây là bài học quý giá nhất mà mình học được từ một nhân vật như bác Phúc.

Dù có đi đến đâu, mọi thứ có thể thay đổi nhưng cái "giọng mẹ đẻ" thì tuyệt đối không được đánh mất, vì đó là cái gốc để nhắc nhở bản thân mình là ai, đến từ đâu. Mất cái gốc là coi như mất hết luôn rồi.